6 mẹo giúp bạn tránh gặp vấn đề về bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ trong nhiếp ảnh thương mại
Một nghệ sĩ tranh phun sơn (graffiti) đã kiện một công ty xe hơi sau khi nhiếp ảnh gia chụp bức tranh tường của nghệ sĩ này trong một chiến dịch quảng cáo của họ. Thẩm phán liên bang tại Hoa Kỳ đã đặt ra quy định về việc hình xăm có được xuất hiện trong video game hay không hay là chúng thuộc quyền sở hữu trí tuệ của người nghệ sĩ. Một nghệ sĩ khác cũng đã từng tình cờ thấy tác phẩm của mình xuất hiện trong quảng cáo của Super Bowl và đâm đơn kiện vì xâm phạm bản quyền tác giả.
Luật sở hữu trí tuệ đang ngày càng được hoàn thiện và những bộ ảnh thương mại cũng phát triển theo. Nhóm Nội dung của 500px đã chia sẻ: “Vấn đề về bản quyền và sở hữu trí tuệ là một trong những lý do phổ biến nhất khiến một bức ảnh bị từ chối cấp phép”.
Dưới đây là 6 bí kíp “chỉ đường dẫn lối” cho bạn trong thế giới của nhiếp ảnh thương mại nhằm giúp bạn sáng tạo ra những tác phẩm “ăn khách” nhất mà không phải lo lắng về việc đối mặt với những vấn đề tiềm ẩn liên quan đến bản quyền tác giả hay sở hữu trí tuệ (IP).
1. Chủ động nghiên cứu
Cẩn tắc vô áy náy! Đối với nhiếp ảnh thương mại, trước khi chụp bất kỳ bộ ảnh nào, bạn nên kiểm tra thật kỹ để đảm bảo bối cảnh và những sự vật mình chuẩn bị đưa vào trong khung hình không bị gắn bản quyền. Bạn có thể tham khảo từ điển sở hữu trí tuệ của Getty Images.
Trong quá trình tìm hiểu, bạn nên kiểm tra cả những chi tiết dù chỉ nhỏ nhất ở quanh khu vực chụp ảnh của mình. Bạn có thể sẽ tìm thấy những thứ đã được đăng ký bản quyền mà bạn không hề ngờ tới, chẳng hạn như chiếc đàn ghi-ta Fender, giày Vans hay thậm chí là kẹo Licorice Allsorts. Tất cả những chi tiết đã được đăng ký bản quyền như vậy đều không được phép xuất hiện trong những bức ảnh thương mại.
2. Kiểm tra kỹ những món đồ sẽ xuất hiện trên ảnh
Loại bỏ hoàn toàn những đồ dùng có thương hiệu ra khỏi bức ảnh có thể là điều không thể. Tuy nhiên, có một vài cách bạn có thể áp dụng trong những tình huống nguy hiểm như thế này. Giả sử nếu định đưa vào trong ảnh một chai dầu gội đầu, bạn có thể dùng băng dính hoặc một vật gì đó che đi logo của sản phẩm, hoặc xóa hay thêm vào các chi tiết trong quá trình chỉnh sửa ảnh, miễn là đảm bảo không ai nhận ra khi nhìn vào bức ảnh cuối cùng mà bạn đăng tải.
3. Chọn chi tiết cho hậu cảnh
Nếu bạn muốn sử dụng một tác phẩm nào đó để thêm vào hậu cảnh, chẳng hạn như tác phẩm điêu khắc, một bức tranh hay một bức ảnh treo trên tường, hãy xin phép tác giả trước, hoặc sử dụng các thủ thuật để không ai nhận ra tác phẩm đó (ví dụ như chỉ lấy một góc nhỏ).
Kể cả khi chi tiết đó chỉ là phông nền và không phải chủ thể của bức ảnh, nhưng nếu tác giả có thể nhận ra đó là tác phẩm của họ thì bạn nhất định phải xin cấp phép để được sử dụng tác phẩm đó trong bức ảnh thương mại của mình. Đã có nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng tác phẩm của chính mình để tránh gặp phải tình trạng này.
4. Chú ý tới các thiết bị công nghệ
Giao diện máy tính, điện thoại hay nút bấm trên bất kỳ thiết bị công nghệ nào cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối. Bạn có thể che những chi tiết đó bằng những dải băng hay đặt đồ vật khác chèn lên trên nhằm tránh để lộ những chi tiết nhận diện thương hiệu.
Một cách khác là bạn tránh lấy thiết bị công nghệ làm tiêu điểm, mà tập trung vào người sử dụng chúng. Cách này thường dễ áp dụng hơn với những bức ảnh dạng lifestyle, vì với những bức ảnh này, công nghệ chỉ là một phần nhỏ trong bối cảnh lớn.
Theo nhóm Nội dung của 500px: “Với máy tính để bàn hay máy tính xách tay, kể cả các cổng port thôi cũng có thể thuộc về một thương hiệu nào đó. Với điện thoại thông minh thì những chi tiết có thể dễ mắc phải vấn đề về sở hữu trí tuệ nhất là các nút bấm và camera trước/sau.”
Tương tự, nếu bạn chụp ảnh trong hoặc xung quanh ô tô, hãy chỉ chụp những phần chung chung nhất của chiếc xe và tránh để lộ ra những chi tiết đặc trưng của thương hiệu hay nhà sản xuất xe (ví dụ như logo xe, đèn xe…)
5. Để ý trang phục của người mẫu
Người mẫu của bạn sẽ không thể hiểu rõ về luật sở hữu trí tuệ trong nhiếp ảnh như bạn. Do đó, hãy kiểm tra kỹ những bộ đồ mà họ sẽ mặc trước buổi chụp hình nhé. Ngoài việc giúp họ chọn chất liệu vải phù hợp với tông màu và phong cách của buổi chụp, bạn cũng nên nhắc nhở họ che đi những logo dễ lộ trên trang phục.
Nhóm 500px khuyên rằng: “Hãy luôn chú ý tới những gì người mẫu đang mặc, từ quần áo, giày dép cho tới phụ kiện. Chỉ cần lộ ra một chi tiết rất nhỏ về thương hiệu trên trang phục thôi cũng có thể khiến bức ảnh của bạn không được cấp phép”.
Đặc biệt, bạn nên tránh những chiếc áo thun dạng graphic tee, vì những thiết kế và hình vẽ trên áo rất có thể thuộc quyền sở hữu trí tuệ của một tác giả nào đó (kể cả tranh vẽ các nhân vật hoạt hình Disney hay trang phục đóng giả nhân vật hoạt hình).
Cách giải quyết rất đơn giản: bạn chỉ cần dùng trang phục màu trơn và không có logo thì càng tốt. Ngoài ra, như đã đề cập phía trên, hình xăm cũng có thể tạo ra rắc rối cho bạn về vấn đề bản quyền, vậy nên hãy che chúng đi khi chụp hình nhé!
6. Đừng trông cậy hoàn toàn vào xử lý hậu kỳ
Xử lý hậu kỳ có thể được coi là “vị cứu tinh” của nhiếp ảnh thương mại, đặc biệt là khi vấn đề về bản quyền tác giả trong bức ảnh của bạn không quá nghiêm trọng, ví dụ như xóa bớt một đường kẻ trong logo của Adidas. Đây là cách “chữa cháy” tốt nhất trong những tình huống không thể làm gì khác như thế này (nhất là khi bạn đã chụp xong bức ảnh đó).
Tuy nhiên, bạn vẫn nên cố gắng giải quyết những vấn đề như vậy tại thời điểm chụp, thay vì trông cậy vào quá trình xử lý hậu kỳ. Việc dùng một vật gì đó che lên logo đương nhiên sẽ không tốn thời gian bằng quá trình xóa logo đó trên máy tính. Nếu bạn có cả trăm bức ảnh, rất có thể bạn sẽ phải tốn hàng giờ đồng hồ để xử lý hết tất cả.
Đương nhiên, không có gì đảm bảo được rằng bạn sẽ có thể sửa dễ dàng trên máy tính nếu trước đó bạn không chụp đúng cách. Đôi khi, việc xử lý ảnh sau khi đã chụp có thể trở nên khó khăn hơn bạn thường nghĩ, thậm chí làm giảm chất lượng của bức ảnh sau khi đã chỉnh sửa. Đã có nhiều trường hợp vẫn mắc phải vấn đề bản quyền sau khi đã chỉnh sửa xong, vì chi tiết thương hiệu trên ảnh chụp gốc quá rõ ràng.
Tóm lại: hãy suy nghĩ thật cẩn thận và lên kế hoạch chi tiết cho việc chụp ảnh thương mại. Một khi bạn đã hình thành thói quen kiểm tra kỹ tất cả mọi chi tiết trong quá trình chụp hình, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu bạn đang hợp tác với nhà tạo mẫu, người mẫu hay nhà thiết kế nội thất, hãy gửi một danh sách những điều nên và không nên làm trước buổi chụp hình để họ chuẩn bị chu đáo hơn nhằm tiết kiệm thời gian của hai bên. Hy vọng với những mẹo nhỏ trên, bạn sẽ có thể hạn chế tối đa các vấn đề liên quan đến bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ.
Bản quyền dịch: Valor Team
Credit: How to avoid copyright and IP issues in commercial photography