Kịch bản chụp ảnh là gì? Và hướng dẫn cách xây dựng kịch bản chụp ảnh

Kịch bản chụp ảnh là gì? Và hướng dẫn cách xây dựng kịch bản chụp ảnh

Nhiều người vẫn nghĩ chụp ảnh đơn thuần chỉ là nghệ thuật, mang tính cảm quan, những người làm nghề này chỉ cần có con mắt thẩm mỹ tốt. 

Thật vậy! Chụp ảnh cần con mắt thẩm mỹ tốt. Câu này đúng, nhưng chưa đủ. Những người làm nghề chụp ảnh hay cụ thể hơn là kiếm tiền từ việc chụp ảnh, họ không chỉ cần con mắt thẩm mĩ mà còn cần tư duy và chất xám.

Khoảng thời gian đầu mới mua máy ảnh, mình hay lang thang trên các con phố để chụp cái này, cái nọ. Đến lúc về nhà lọc hàng trăm tấm ảnh chỉ được vài tấm tạm ưng ý và tất nhiên không có một bộ ảnh nào ra hồn. Cũng dễ hiểu thôi, mình không có một sự chuẩn bị nào cả. Cứ chụp theo cảm xúc, đơn giản là để làm quen với máy.

Về sau, lúc đi làm kiếm tiền, mình phải đầu tư nhiều hơn. Đầu tư thiết bị, đầu tư chất xám. Khi nhận một công việc nào đó, mình phải lên ý tưởng và soạn kịch bản trước. Điều này giúp mình làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.

Vậy nên hôm nay mình sẽ chia sẻ cho các bạn một số kiến thức xoay quanh đến kịch bản chụp ảnh. Đây là những điều bạn nên biết nếu có ý định vào nghề.

Valor+studio+001.jpg

Kịch bản chụp ảnh là gì? 

Hai từ “kịch bản” có vẻ khá trừu tượng với một số người. Mình sẽ nói một cách đơn giản nhất để giải thích cho các bạn.

Kịch bản chụp ảnh là sự chuẩn bị những yếu tố cần thiết để tạo nên một bộ ảnh hoàn hảo. Trong đó bạn phải vạch ra được những nội dung sau:

  • Thông điệp bạn muốn truyền tải

  • Concept chụp ảnh

  • Nội dung thời gian, không gian chụp ảnh

  • Đối tượng chụp hình

  • Bố cục chụp ảnh

  • Màu sắc chủ đạo của bộ ảnh

  • Người phụ trách chụp ảnh, đạo cụ, bố cục, trang điểm, trang phục…

  • Trạng thái công việc

  • Ghi chú

Công việc của mình là chụp ảnh nội thất. Nhiều người sẽ cảm thấy nó khá khô cứng, công trình ra sao thì mình sẽ chụp nguyên như vậy. Với mình thì lại khác. 

Trước khi bước vào buổi chụp hình, mình sẽ phải khảo sát thực tế, sau đó mới bắt đầu lên ý tưởng. Chẳng hạn, có những công trình muốn thể hiện sự uy nghiêm, tráng lệ; có công trình lại muốn thể hiện sự tiện nghi, hiện đại; cũng có công trình muốn toát lên sự cổ điển, ấm áp... Tuỳ vào thông điệp muốn truyền tải mà bố cục, màu sắc, thời gian chụp... sẽ có sự khác nhau.

Valor+studio+002.jpg

Lợi ích của việc xây dựng kịch bản chụp ảnh

Cái này dễ hiểu thôi. Bạn hãy hình dung việc xây dựng kịch bản chụp ảnh cũng giống như việc bạn đi chợ vậy. 

Đầu tiên bạn phải xác định trong đầu hôm nay sẽ ăn món gì, hương vị ra sao... Sau đó, bạn đi ra chợ và chọn mua những nguyên liệu cần thiết. Bạn không thể ra đến chợ, nhìn bốn phương tám hướng mới bắt đầu suy nghĩ “ăn cái gì, mua cái gì”. Đến lúc xách giỏ về nhà mới nhận ra đang thiếu một số gia vị này, gia vị kia. Rồi, bạn lại vội vàng chạy ra chợ để mua bổ sung thì nó đã hết mất rồi. Cuối cùng bạn chẳng nấu được một món ăn vừa ý mình. Chưa kể đến việc gặp một gia đình khó tính thì bạn sẽ bị chê trách.  

Nếu làm việc theo nhóm, xây dựng kịch bản sẽ giúp bạn quản lý việc chụp ảnh dễ dàng hơn. Chuẩn bị đủ những nội dung cần thiết sẽ thuận tiện cho việc phân bổ nhiệm vụ cho các thành viên, hạn chế sự chồng chéo công việc và dễ dàng bổ sung những điều còn thiếu dựa trên sườn kịch bản đã vạch ra. 

Khi đã chuẩn bị được những nội dung cần thiết, từ concept, bố cục, thời gian, địa điểm..., việc của bạn chỉ là đến đó và thực hiện theo trình tự các bước đã vạch sẵn. Việc chụp hình vì vậy sẽ hiệu quả, tiết kiệm thời gian và thể hiện đúng concept đã đề ra.

Valor+studio+005.jpg

Bạn là một nhiếp ảnh chuyên chụp chân dung, phóng sự cưới… hay chỉ đơn giản là chụp những cái nhỏ lẻ, bạn có thể tự định hướng kịch bản ngay trong đầu. Nhưng nếu bạn làm việc với một công ty chuyên nghiệp, kịch bản chụp ảnh phải được soạn thảo ra giấy. 

Mình lại tiếp tục nói về câu chuyện đi chợ. Nếu bạn chỉ phải nấu một bữa cơm nhỏ, bạn có thể sắp xếp công việc trong đầu. Trí nhớ cho phép bạn làm điều đó. Nhưng nếu bạn được giao nhiệm vụ đi chợ để nấu cả trăm mâm cỗ, bạn sẽ phải ghi ra giấy rồi thống nhất với gia chủ.

Nếu một công ty thuê bạn chụp hình, hãy xác định rằng hình ảnh mà bạn chụp có thể được phục vụ cho việc marketing. Nó rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng rộng. Các yêu cầu mà khách đặt ra cho bạn vì thế cũng khắt khe hơn. Bên cạnh đó, họ phải làm việc với nhiều đối tác khác nhau, không chỉ mỗi mình bạn. Do vậy, nên soạn thảo một kịch bản chụp hình đầy đủ, chi tiết và gửi đến cho khách hàng. 

Điều này giúp hai bên dễ dàng trao đổi, bổ sung, hoàn thiện concept và nắm rõ tình hình công việc. Kịch bản càng sáng tạo, chi tiết, cụ thể càng tốt. Nó thể hiện tính chuyên nghiệp của team bạn. Tất nhiên khi bạn khoe ra được điều đó, bạn hoàn toàn nâng cao được giá trị của bộ ảnh.

Trong nhiều trường hợp phổ biến, chính công ty sẽ là người xây dựng kịch bản chụp ảnh, sau đó gửi đến bạn. Họ vẫn cần con mắt nghệ thuật và kỹ năng nghề nghiệp của bạn để có những góp ý, bổ sung cho concept. Một số công ty sẽ thuê hẳn bạn viết kịch bản. Vậy nên nếu là thợ chụp hình, bạn nên biết rõ công việc này. Nó sẽ giúp bạn có thêm một khoản thu nhập.

Valor+studio+008.jpg

Cách xây dựng kịch bản chụp ảnh

Nói đến đây chắc mọi người đã có những hiểu biết ban đầu về kịch bản chụp ảnh và tầm quan trọng của nó. Thông qua những gì đã học được và trải nghiệm thực tế, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách xây dựng kịch bản chụp ảnh sao cho hiệu quả nhất.

Bước 1: Xác định mục đích chụp hình

Đây là bước quan trọng nhưng mình thấy khá nhiều người thường bỏ qua, chỉ tập trung vào bước lên ý tưởng. Trước khi tiến hành xây dựng một kịch bản chụp hình nào đó, mình thường xác định rõ mục đích chụp hình là gì? Đối tượng mà khách hàng đang hướng đến là ai? Khách hàng mong muốn điều gì ở bộ ảnh này?

Bởi mình luôn quan niệm rằng một bộ ảnh đẹp với ý tưởng độc đáo nhưng không phù hợp với mục đích muốn truyền tải thì bộ ảnh đó cũng không hiệu quả.

Có nhiều người thuê mình chụp ảnh nội thất trước khi cho thuê nhà. Đối tượng thuê nhà mà họ hướng đến là những hộ gia đình. Thông qua những bức hình, khách hàng của mình muốn thể hiện được sự ấm áp và gần gũi. Vì vậy lúc chụp hình, mình luôn cố gắng thêm hơi người vào trong đó. Một quyển sách đặt cạnh giường hay một bữa ăn sáng nhẹ ở trên bàn, một bình hoa tươi xinh xắn... Những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ này lại góp phần thể hiện được cái hồn của bức ảnh.

Valor+studio+003.jpg

Bước 2: Tìm kiếm thông tin liên quan

Sau khi bạn đã xác định được mục đích chụp hình, đừng vội lên ý tưởng ngay. Bạn hãy tham khảo thật nhiều thông tin liên quan đến đối tượng chụp hình hoặc các kịch bản tương tự. Sau đó chắt lọc những điểm tiến bộ và phát triển một ý tưởng riêng. Đây là cách lên ý tưởng tối ưu nhất.

Nếu một công ty nào đó thuê bạn chụp ảnh sản phẩm. Bạn phải tìm hiểu xem sản phẩm đó là gì, khách hàng sử dụng sản phẩm đó là ai, sau đó tham khảo ảnh của công ty đối thủ. Từ đó, bạn mới có thể xây dựng những ý tưởng chụp hình để giúp sản phẩm toát lên điểm nổi trội và khác biệt, truyền tải đúng nội dung. 

Bước 3: Lên ý tưởng chụp hình

Đằng sau những bức hình thường mang đến cho người xem một câu chuyện nào đó. Ngày xưa đi học, mình vẫn nhớ cô giáo dạy văn giảng: Một câu chuyện hay phải có cốt truyện. Vậy cốt truyện ở đây chính là ý tưởng. Hãy vẽ ra cho mình thật nhiều ý tưởng, sau đó chọn lọc và phát triển lên, bàn bạc với khách hàng. 

Bước 4: Thống nhất concept chụp hình

Để một bộ ảnh trọn vẹn luôn có sự trao đổi giữa nhiếp ảnh và khách hàng. Dù là bên nào phụ trách lên kịch bản chụp ảnh thì cũng phải thống nhất concept với nhau. Như vậy ý tưởng đưa ra sẽ được bổ sung hoàn thiện, phù hợp với mục đích ban đầu.

Valor+studio+004.jpg

Bước 5: Xây dựng kịch bản tổng quát

Kịch bản tổng quát hay mình còn gọi là khung xương của kịch bản. Trong đó mình sẽ vạch ra các ý như nội dung cần chuẩn bị, người phụ trách, địa điểm... dựa trên nội dung và concept đã chuẩn bị. Việc này phải chuẩn bị trước hôm chụp hình vài ngày. Bước này giống như việc bạn viết dàn ý cho một bài văn hoàn chỉnh. 

Bước 6: Xây dựng kịch bản chi tiết

Dựa vào kịch bản khung, bạn sẽ phải xây dựng kịch bản chi tiết. Tất cả các yếu tố từ trang phục, trang điểm, địa điểm, đạo cụ, hậu cảnh, thời gian… sẽ được đem ra bàn bạc.  

Các đề mục phải được trình bày rõ ràng, dễ theo dõi và đánh giá tiến độ công việc cũng như dễ dàng triển khai trong lúc thực hiện.

Như vậy, để xây dựng một kịch bản chụp ảnh, bạn phải trải qua 6 bước cơ bản. Đây là điều cần thiết để có một bộ ảnh đạt hiệu quả. Những gì mình chia sẻ đều từ kinh nghiệm làm việc cá nhân. Nếu bạn muốn đóng góp thêm, bình luận và bổ sung bên dưới nhé! Mình rất vui vì điều đó. hihi

Credit: Valor team

Bánh xe màu sắc: Nâng tầm nhiếp ảnh lên một tầng cao mới

Bánh xe màu sắc: Nâng tầm nhiếp ảnh lên một tầng cao mới

Thực tế ảo - Nhiếp ảnh: Mối quan hệ mật thiết không thể tách rời

Thực tế ảo - Nhiếp ảnh: Mối quan hệ mật thiết không thể tách rời