Bánh xe màu sắc: Nâng tầm nhiếp ảnh lên một tầng cao mới

Bánh xe màu sắc: Nâng tầm nhiếp ảnh lên một tầng cao mới

Bí kíp nâng những tác phẩm nhiếp ảnh của bạn lên một tầng cao mới bằng “Bánh xe màu sắc” 

Có những thắc mắc rất phổ biến trong cộng đồng nhiếp ảnh, chẳng hạn như: "Tôi nên dùng loại thân máy và ống kính gì?", "Quy tắc một phần ba là gì và tôi nên áp dụng nó như thế nào?"...

Thực ra, những câu hỏi này đều khá cụ thể và có câu trả lời rõ ràng. Nhưng với những nhiếp ảnh gia, trả lời được câu hỏi đôi khi không đồng nghĩa với việc bạn sẽ có thể tạo ra những bức hình xuất sắc. Lúc này, bạn cần lùi lại một bước và tập trung vào điều vô hình: mắt thẩm mỹ của nhiếp ảnh gia.

Chúng ta đều biết màu sắc đóng vai trò quan trọng như thế nào trong nhiếp ảnh. Ta có thể dễ dàng nhận ra nếu một bức ảnh có màu sắc không hài hòa và bắt mắt. Cái khó ở đây là làm thế nào để “chỉ mặt đặt tên” lý do khiến bức ảnh trở nên như vậy. 

Bên cạnh đó, học cách sử dụng màu sao cho “chuẩn” lại là một vấn đề khác. Lúc này, bánh xe màu sắc sẽ “dẫn đường chỉ lối” để giúp ta giải quyết những vấn đề này. Hiểu và biết sử dụng bánh xe màu sắc là bước đầu tiên để tạo nên những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc. 

Bài viết dưới đây sẽ đem đến cho bạn những thông tin về:

  • Định nghĩa về bánh xe màu sắc và cách vận hành của nó.

  • Màu sắc ảnh hưởng như thế nào tới cảm xúc của người xem (bao gồm cả khách hàng của bạn).

  • Định nghĩa về phối màu và các phương pháp phối màu. 

  • Làm sao để tìm được màu phù hợp khi chỉnh sửa hậu kỳ. 

Bài viết sẽ đem đến cho bạn những kiến thức cơ bản nhất về lý thuyết màu sắc, cụ thể hơn, là làm thế nào để áp dụng thành thạo “Bánh xe màu sắc” nhằm phối màu phù hợp cho những tác phẩm nhiếp ảnh của bạn, thông qua những ví dụ cụ thể của cộng đồng 500px.

Chúng ta hẳn nhận thấy khách hàng hầu như ai cũng thích những bảng màu phổ biến và thường được sử dụng nhất trên thị trường. Để có những bảng màu này và đưa chúng vào sử dụng, các thương hiệu đều phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng và tỉ mỉ.

Nói cách khác, để có những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, việc sáng tạo những bức hình bắt mắt với màu sắc hài hòa đang dần trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 

Một khi đã biết cách sử dụng màu sắc, bạn sẽ có thể nhận biết và tìm kiếm những bảng màu phù hợp với mục đích của mình.

Trong nhiếp ảnh, màu sắc rất “quyền lực”, và việc chọn đúng màu có thể khẳng định “sức mạnh” của một nhiếp ảnh gia xuất sắc. 

Bánh xe màu sắc là gì? 

Bánh xe màu sắc là một tổ hợp những quy tắc và hướng dẫn mà mỗi nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia hay nghệ sĩ đều sử dụng để hình dung về mối quan hệ giữa các màu. Khi bạn đã hiểu những màu nào nên đứng cạnh nhau và giúp bức ảnh bắt mắt, việc tạo ra những tác phẩm độc đáo sẽ trở nên “dễ như ăn kẹo”. 

Trong bức ảnh bánh xe màu sắc phía trên, các màu được sắp xếp trong một vòng tròn theo thứ tự từ tông màu ấm cho tới tông màu lạnh.

Trong đó, đỏ, vàng và lam là 3 màu chủ đạo. Khi pha trộn các màu này với nhau, ta sẽ có màu cấp II là cam, lục và tím. Tiếp theo, bằng cách pha trộn các màu cấp II với nhau, ta có màu cấp III là cam đỏ, cam vàng, lục vàng, lục lam, tím lam và tím đỏ.

Để hiểu toàn bộ bánh xe màu sắc và sử dụng nó thật hiệu quả, bạn cần biết những màu này có thể đem lại cảm giác gì cho người xem. 

Màu sắc đem lại những cảm giác như thế nào cho người xem?

Màu sắc được sử dụng trong bức ảnh có thể ảnh hưởng tới cách một người cảm nhận về bức ảnh đó. Mỗi màu mang tới những cảm xúc khác nhau. Dưới đây là một vài ví dụ:

Vàng

Màu vàng đem lại sự lạc quan và trẻ trung, thường được sử dụng nhằm thu hút sự chú ý của những khách hàng “mua sắm qua cửa sổ” (chỉ xem qua mà không có ý định mua hàng). 

3.jpg

Đỏ

Các thương hiệu thường lấy màu đỏ để đem đến cảm giác tràn đầy năng lượng, đồng thời khiến khách hàng cảm thấy phấn khích hơn. Ngoài ra, màu đỏ cũng mang nghĩa khẩn cấp, thường được sử dụng để quảng cáo về các đợt xả hàng.

5.jpg

Lam

Lam là một màu tĩnh, đem lại sự an toàn và tin tưởng. Màu lam thường được sử dụng trong việc quảng bá thương hiệu cho các ngân hàng hay các cơ sở kinh doanh.

6.jpg
7.jpg

Đen

Đen được coi là một màu quyền lực và sang trọng, được dùng nhiều khi quảng bá các sản phẩm hay dịch vụ cao cấp. 

8.jpg
9.jpg

Nhìn qua thì có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế, không phải lúc nào một màu sắc nào đó cũng chỉ đem lại một cảm xúc nhất định cho người xem. Màu sắc có thể truyền tải những sắc thái khác nhau tới mỗi người, tùy theo kinh nghiệm sống và nền tảng văn hóa của họ.

Phối màu (sự hài hòa về màu sắc) là gì?

Phối màu là một khái niệm khá đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng đối với các nhiếp ảnh gia. Phối màu là quá trình hình thành nên những kết hợp cân bằng về màu sắc để đem lại kết quả là những bức ảnh bắt mắt.  

Thay vì chú trọng vào cách trộn màu, phối màu tập trung vào việc màu sắc tương tác với nhau như thế nào.

Tất cả bức ảnh được chia sẻ phía trên đều có sự hài hòa về màu sắc và giữa các màu đều có sự chuyển tiếp rất uyển chuyển. Chẳng hạn, trong bức ảnh màu vàng đầu tiên, bạn có thể thấy giữa đôi môi đỏ với nền vàng có một sự chuyển tiếp rất bắt mắt. Hoặc có thể, bạn đã từng thấy ở đâu đó những bức ảnh chụp bầu trời, thể hiện những sắc thái khác nhau của màu xanh da trời và các sắc thái màu giao thoa với nhau một cách hoàn hảo. Những bức ảnh như vậy có thể trở nên độc đáo là do sự hài hòa về màu sắc.

Như vậy, chỉ cần biết cách sử dụng màu sắc, bạn sẽ có thể nhận biết và tìm kiếm cách phối màu phù hợp với mục đích của mình. Để làm được điều này, bạn cần nghiên cứu bánh xe màu sắc và xác định bảng màu của bức ảnh. Nhờ đó, bạn sẽ dần quen với việc chọn bảng màu thích hợp dựa trên hoàn cảnh và địa điểm chụp cụ thể của bức hình. 

Đây là những gì bạn cần làm để xác định bảng màu của bức ảnh mình chụp: 

Tải ảnh lên Canva Color Palette Generator, Adobe Color hoặc aletton

10.png

Điều quan trọng là bạn cần hiểu những màu xuất hiện trong bức ảnh của mình đang phối hợp với nhau như thế nào. Một cách rất đơn giản để thực hiện được điều này là sử dụng các công cụ như Adobe Color hoặc Canva Color Palette

Cách dùng bảng màu để xác định cách phối màu

Bạn có thể dùng bảng màu do mình tự tạo ra để làm cơ sở cho việc xác định và hình thành sự hòa hợp về màu sắc. Có rất nhiều cách bạn có thể áp dụng để tạo nên bảng màu đẹp nhất cho những tác phẩm nhiếp ảnh của mình. Hãy cùng tìm hiểu các cách phối màu khác nhau qua những ví dụ về màu hồng và lam dưới đây. 

Phối màu tương đồng là gì?

Bạn có thể dễ dàng chọn ra được một bộ màu tương đồng bằng cách chọn một màu, sau đó chọn màu ngay bên cạnh nó trong bánh xe màu sắc.

Bộ màu tương đồng bao gồm một màu chính và ít nhất hai màu bên cạnh nó. Màu chính là màu chủ đạo, các màu còn lại sẽ chỉ được dùng để làm điểm nhấn, nhưng cũng cần có độ tương phản vừa đủ. 

11.png
12.png

Như ví dụ với màu lam và hồng phía trên, mỗi dãy màu đều có nét tương đồng với nhau. 

Phối màu tương đồng rất quan trọng trong nhiếp ảnh vì nó giúp tạo ra bộ màu để đảm bảo tính đồng đều và nhất quán cho bức ảnh. 

Dưới đây là một vài ví dụ về phối màu tương đồng trong những bức ảnh chụp bởi thành viên của Cộng đồng 500px. 

13.jpg
14.png
17.jpg
18.png
20.png

Phối màu đơn sắc là gì?

Phối màu đơn sắc là khi bạn sử dụng một màu gốc với những mức độ sắc thái màu, đổ bóng và tông màu khác nhau để tạo nên một dải màu.

Sắc thái màu được tạo ra bằng cách thêm sắc trắng vào màu gốc. Đổ bóng thì ngược lại, là sự kết hợp giữa sắc đen và màu gốc; và tông màu là hỗn hợp giữa màu gốc và màu xám.

Phối màu đơn sắc là cách tuyệt vời để thêm “hồn” cho bức ảnh và đem lại nhiều cảm xúc hơn cho người xem. Trắng và đen vẫn luôn là màu đơn sắc phổ biến trong nhiếp ảnh. Tuy nhiên, việc phối màu đơn sắc không chỉ dừng lại ở hai màu này. Cũng giống như đen trắng, các màu đơn sắc khác cũng là sự lựa chọn tuyệt vời để đơn giản hóa bức ảnh. 

Dưới đây là một vài ví dụ về phối màu đơn sắc trong những bức ảnh chụp bởi thành viên của Cộng đồng 500px. 

24.png
25.jpg
26.png
27.jpg
28.png

Phối màu bộ ba là gì?

Trong phối màu bộ ba, ba màu được chọn là những màu nằm ở các vị trí cách đều nhau trên bánh xe màu sắc.

29.png
30.png

Nếu phối màu tương đồng giúp bức ảnh tĩnh và dịu dàng hơn, thì phối màu bộ ba lại đem đến cảm giác sôi động và náo nhiệt. Bộ ba màu có vẻ tương phản nhưng lại vẫn kết hợp với nhau một cách hài hòa.

Trong phối màu bộ ba, các màu phải hết sức cân đối sao cho có một màu làm chủ đạo và hai màu còn lại chỉ đóng vai trò hỗ trợ. 

Phối màu bộ ba khá phổ biến trong cuộc sống, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy trong các công trình kiến trúc, các tác phẩm hay thiết kế do con người tạo ra.

Dưới đây là một ví dụ về phối màu bộ ba trong những bức ảnh chụp bởi thành viên của Cộng đồng 500px. 

31.jpg
32.png

Phối màu tương phản là gì?

Đối với phối màu tương phản, màu chính nhìn chung rất nổi bật và màu còn lại xuất hiện khá ít. Phương pháp phối màu này nhấn mạnh vào sự tương phản, vì các màu được sử dụng nằm ở vị trí đối diện nhau trong bánh xe màu sắc. Khi phối màu tương phản, bạn nên tập chung vào một màu.

33.png

Dưới đây là một vài ví dụ về phối màu tương phản trong những bức ảnh chụp bởi thành viên của Cộng đồng 500px. 

35.jpg
36.png
37.jpg
39.jpg
40.png
41.jpg
42.png
43.jpg
44.png
45.jpg
46.png

Chọn màu sắc cho riêng bạn trong hậu kỳ chỉnh sửa ảnh

Để bức ảnh có được đúng màu theo ý muốn của bạn, hậu kỳ chỉnh sửa ảnh là bước không thể bỏ qua. Bạn có thể sử dụng các phần mềm như Photoshop để chỉnh sửa ảnh cũng như thay đổi màu sắc của bức ảnh.  

Khi áp dụng lý thuyết màu sắc vào việc chỉnh sửa ảnh, bạn cần bắt đầu từ màu chủ đạo (màu nổi bật nhất). Nói cách khác, bạn tập trung vào việc phối màu bức ảnh. Chẳng hạn, nếu cần tìm màu tương phản với màu vàng, bạn sẽ tìm thấy màu lam chứ không phải màu tím. 

Nếu những màu trong bức ảnh chưa có sự hài hòa về màu sắc hoặc không bắt mắt, bạn hãy kiên nhẫn tìm hiểu và đừng ngại thử thật nhiều lần cho tới khi tìm được bộ màu phù hợp nhất với một trong bốn phương pháp phối màu trên (màu tương đồng, màu đơn sắc, màu bộ ba và màu tương phản). Lúc này, bạn sẽ có thể đem đến một “diện mạo” hoàn toàn mới cho cho bức ảnh gốc.  

Tóm lại 

Rất có thể trước kia, bạn đã từng ứng dụng lý thuyết màu sắc trong các tác phẩm nhiếp ảnh của mình nhưng không nhận ra điều đó. Đôi mắt của bạn có thể đã tự nhận ra rằng có những màu sẽ mang sắc thái rất khác nếu chúng đứng cạnh một vài màu khác, từ đó thay đổi để bức ảnh truyền tải đúng thông điệp mà bạn muốn thể hiện. 

Tuy nhiên, điều khác biệt là giờ đây, bạn đã hiểu lý do tại sao những màu đó lại có thể kết hợp với nhau như vậy. Việc này không chỉ giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong phối hợp màu sắc mà còn giúp bạn  khai thác, chinh phục để tạo ra những bảng màu xuất sắc. 

Bánh xe màu sắc là công cụ rất hữu ích và có thể đem lại những kết quả bất ngờ nếu bạn biết cách áp dụng nó vào quá trình chụp ảnh hay chỉnh sửa hậu kỳ. 

Bạn thích dùng những màu như thế nào trong các tác phẩm nhiếp ảnh của mình? Hãy chia sẻ tại mục bình luận bên dưới nhé!

Bản quyền dịch: Valor team
Credit: How to take your photos to the next level with the color wheel

Chụp ảnh kiến trúc

Chụp ảnh kiến trúc

Kịch bản chụp ảnh là gì? Và hướng dẫn cách xây dựng kịch bản chụp ảnh

Kịch bản chụp ảnh là gì? Và hướng dẫn cách xây dựng kịch bản chụp ảnh