Làm sao để có bộ ảnh nội thất đẹp như bạn mong đợi?
Các phong cách chụp ảnh nội thất phổ biến
Các khách hàng của mình cần biết. Thông thường sẽ có 2 cách chụp ảnh nội thất khá phổ biến. Loại một là chụp HDR hoặc chụp 1 tấm với ánh sáng xung quanh, ánh sáng có sẵn nơi chụp, dù là ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo. Và loại thứ 2 là sử dụng ánh sáng riêng thêm vào như flash hay led. Không có đúng hoặc sai ở đây, mỗi cách tiếp cận đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Hai bức ảnh nội thất. Một với nguồn ánh sáng từ đèn có sẵn và một với nguồn ánh sáng từ flash giả làm cửa sổ.
Việc sử dụng thêm ánh sáng riêng từ led hay flash sẽ làm mình chụp chậm lại, và cần có thêm người trợ giúp. Tuỳ vào quy mô của công trình mà chụp dạng này có khi mất 1 đến vài ngày làm việc. Đối với những người cần chụp 2 3 công trình 1 ngày với thời gian eo hẹp, chi phí không cao thì không cần thiết phải sáng tạo với ánh sáng. Ngân sách, thời gian, điều kiện làm việc sẽ quyết định tới phương án nào là tối ưu nhất.
Nếu thời gian và tiền bạc không là vấn đề. Thì mình cùng nhìn lại vấn đề thực sự ở đây. Có 3 vấn đề về ánh sáng mà mình cần nhìn nhận: Hướng sáng, số lượng và chất lượng. Nếu mình chụp với ánh sáng xung quanh thôi thì mình chỉ có thể kiểm soát được 1 đặc điểm là số lượng (lượng ánh sáng đi vào thấu kính). Cứ cho là có thể master về luminoisity lẫn HDR đi nữa thì mình cũng hoàn toàn không kiểm soát được chất lượng cũng như hướng của ánh sáng. Vậy nên chụp kiểu này rất quan trọng về thời điểm, ánh sáng của công trình. Nếu ánh sáng tự nhiên hoàn hảo hoặc nếu công trình được kiến trúc sư thiết kế hiệu ứng ánh sáng đã tối ưu rồi thì mình sẽ tôn trọng nó, chụp lại chính xác.
Nguồn sáng tự nhiên và đèn tại công trình đã đẹp sẵn. Việc của mình là mô tả lại. Thường công trình dạng văn phòng, showroom sẽ ở trường hợp này.
Mặt khác với ánh sáng của flash hoặc led, mình sẽ kiểm soát được cả 3 đặc điểm. Mình có thể tạo khối với ánh sáng cứng, bắt chước ánh sáng tự nhiên dịu nhẹ đi qua cửa sổ, đánh bật lên các chi tiết ẩn, tạo nên cảm giác chiều sâu về không gian. Đó là những gì mà ánh sáng của mình có thể đem lại và đó là lý do tại sao mình không bao giờ rời khỏi nhà mà không mang theo flash!
Nhưng không phải lúc nào mình cũng dùng thêm flash. Đôi khi mình không thêm bất kỳ ánh sáng nào, chẳng hạn như khi ánh sáng tự nhiên đã hoàn hảo hoặc khi mình chụp cho một kiến trúc sư đã phải mất nhiều thời gian để tạo hiệu ứng với ánh sáng xung quanh. Trong trường hợp đó, công việc của mình chỉ đơn giản là mô tả ánh sáng đó và không thay đổi nó. Sự tôn trọng ý đồ ánh sáng trong công trình của kiến trúc sư là điều cần thiết.
Và một điều nữa, mình không phải là một fan của HDR vì nó không cho mình nhiều quyền kiểm soát ánh sáng. Đối với những người bạn chưa biết, HDR là một kỹ thuật trong đó bạn thực hiện một loạt ảnh với độ phơi sáng khác nhau, từ vùng tối nhất đến vùng sáng nhất. Bằng cách này, bạn có thể thu được toàn bộ thông tin chi tiết, tránh các vùng sáng hoặc tối đen bị ‘cắt bớt’. Tuy nhiên, nó không hoàn hảo và nó có thể tạo ra hiệu ứng siêu thực hoặc phẳng nếu bạn hoàn toàn dựa vào nó.
Thật ra mình có sử dụng HDR trong quy trình làm việc, nhưng hình ảnh thu được là cái căn bản để retouch chứ không phải là hình ảnh cuối cùng. HDR cho phép mình giữ lại một lượng chi tiết tối thiểu, chẳng hạn như trong cửa sổ hoặc chụp đèn mà sau này mình sẽ kết hợp lại. Hoặc chí ít mình cũng sẽ dolge & burn thêm ở phần hậu kỳ.
Một bộ hình mình dùng cả HDR và flash vì ngoài trời đang mưa, không có nguồn sáng tốt nên mình phải dùng đến cả 2 cách.
Mình mong các khách hàng của mình sẽ hiểu rõ về công việc của các photographer chụp ảnh nội thất. Để đánh giá được sự tương quan giữa công sức, thời gian của người chụp và báo giá của họ. Cũng như biết được rõ ràng công trình cần gì, chụp với cách nào để đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Bạn sẽ có số lượng hình như mong muốn với thời gian và chi phí hợp lý nhất.
Cảm ơn các khách hàng của mình rất nhiều!
À bạn nào muốn tìm hiểu thêm về môn nhiếp ảnh nội thất thì đọc các bài hướng dẫn nghề của mình nhá :))
Credit: Valor Huynh