Nhiếp ảnh cơ bản, chụp sao cho nét?
Làm sao hình chụp nội thất của mình nét căng?
Có nhiều bạn hỏi mình tại sao hình mình chụp luôn nét căng. Nên mình viết bài này để giải thích cho các bạn mới chụp ảnh. Mình tập trung nói về chuyện ảnh nét và tươm tất.
Để một tấm ảnh nét cần khá nhiều điều nhỏ nhặt. Những cái mà khi bạn thường không để ý nhưng quan trọng. Sự thật là, bạn có thể chụp ảnh rất nét với cả những máy ảnh tầm trung thôi.
Trong bài này mình sẽ nói về các kinh nghiệm hữu ích và các kỹ thuật làm sao để thiết bị của bạn cho ảnh nét nhất có thể.
1. Cân chỉnh ống kính
Các bạn mua máy ảnh, ống kính về. Chụp cả năm trời với nó mà không thèm đưa ra cửa hàng chính hãng để kiểm tra. Cái này là thói quen của nhiều bạn mới chơi ảnh.
Thực tế là ống kính và máy ảnh cần đem ra kiểm tra chung. Hãng sẽ biết cân chỉnh sao cho đạt độ nét tối ưu nhất cho cả bộ máy ảnh, ống kính đi kèm với nhau. Nhất là các bạn xài ống kính bên thứ ba. Càng cần phải để hãng cân chỉnh ống kính đó theo máy ảnh bạn đang dùng.
Mình chụp ảnh nội thất. Một môn đòi hỏi hình ảnh phải thực sự nét căng. Nên định kỳ nửa năm một lần mình phải đem ống kính 15-30 G2 tamron với Nikon D850 đi cân chỉnh.
Các ống kính hơi cũ. Ống kính bị va chạm một phần (không phải rơi vỡ). Đây là 2 dạng cần phải cân chỉnh lại. Vì va chạm sẽ làm thay đổi một chút khả năng lấy nét. Hoặc thời gian cũng làm hao mòn chất lượng quang học của ống kính.
Có nhiều hướng dẫn trên YouTube... về cách cân chỉnh ống kính cho máy ảnh cụ thể. Nếu bạn thích vọc thì có thể đọc bài này - Hướng dẫn cân chỉnh máy ảnh và ống kính
Các DSLR cũng có chức năng cân chỉnh sẵn trong máy. Nếu bạn xài nguyên bộ chính hãng. Bạn có thể thử trong trường hợp chưa muốn đem ống kính ra hãng - Hướng dẫn AF fine-tune trên DLSR
2. Tìm khẩu độ nét nhất
Trong chụp ảnh phong cảnh. Khẩu độ càng nhỏ thì vùng rõ càng dày. Khép khẩu (F lớn) đến mức có thể. Hầu hết các ống kính chỉ có thể đạt được độ nét tối đa ở một khẩu độ. Thường sẽ là F8 nhưng sẽ có thay đổi tuỳ theo từng ống kính. Tốt nhất nên tìm kiếm thông tin về khẩu độ nét nhất của ống kính bạn đang dùng.
Bạn có thể xem thêm - Hướng dẫn cách tìm khẩu độ nét nhất của Ken Rockwell
Ví dụ mình tìm kiếm trên Google: “Sharpest aperture for tamron 15-30 G2” cũng có thể có nhiều thông tin hữu ích cho ống kính mình đang dùng.
3. Chụp ISO thấp
ISO cao có thể có ảnh hưởng xấu đến độ nét của ảnh. Ví dụ, nếu bạn chụp ISO 3200, Hình bạn sẽ bị nhiễu nhiều hơn. Các hạt nhiễu sẽ làm cho ảnh mềm và ít chi tiết hơn. Trong mọi trường hợp. Bạn nên cân nhắc đến tốc độ và khẩu độ có thể chấp nhận được để tránh dùng ISO cao quá 800.
Mình luôn ưu tiên dùng ISO 100 khi chụp ảnh nội thất. Trừ các trường hợp đặc biệt mình mới chỉnh ISO lên cao một chút. Dưới đây là ảnh mình chụp với ISO 100. Mình phải phơi lâu nhưng hình ảnh ra sẽ nét.
4. Chú ý các filter
Thà không dùng, chứ đừng dùng filter giá rẻ. Đa phần filter rẻ không đủ chất lượng quang học. Ánh sáng sẽ đi qua lớp filter dỏm sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh. Ống kính xịn mà lắp filter dỏm sẽ làm giảm rõ rệt chất lượng ảnh. Nếu bạn vẫn muốn dùng filter UV. Mua thử filter B+W, hãng này mình thấy khá tin tưởng.
Dùng càng nhiều lớp filter càng bị ảnh hưởng đến hình ảnh cuối cùng. Nếu được bạn không dùng filter càng tốt. Trừ những trường hợp đặc biệt phải xài PL hoặc ND filter như chụp qua kính, phơi sáng…
5. Lấy nét tự động một điểm (Single point)
Vấn đề với các chế độ lấy nét khác là nó không cho phép bạn chọn điểm lấy nét cụ thể. Nếu ví dụ, bạn đang chụp chân dung, nhiều khả năng nó sẽ tập trung vào thứ gần nhất với máy ảnh có lẽ sẽ là mũi chứ không phải mắt.
Dùng chế độ lấy nét đơn điểm (single point) cho phép bạn kiểm soát hoàn toàn điểm cần nét trong ảnh. Dù mình chụp ảnh nội thất. Mình vẫn dùng chế độ lấy nét đơn điểm. Việc này đảm bảo mình tính nét được cả khung hình, hoặc những vùng trọng tâm mà mình cần.
Hữu ích nhất của chế độ lấy nét đơn điểm là khi chụp người. Bạn sẽ cần lấy nét chính xác vào vùng mắt của nhân vật. Hầu hết trường hợp chụp bối cảnh có người, khi mắt người trong ảnh nét, bạn sẽ cảm giác thấy toàn ảnh nét theo.
6. Sử dụng chân máy
Có một chân máy vững chắc sẽ làm giảm rung máy và do đó giảm tình trạng ảnh mờ.
Bạn nên kéo 3 chân tripod để tăng độ cao máy. Tránh dùng thanh nối dài ở trên tripod hết mức. Thanh này thường khá yếu nên mình không khuyến khích dùng.
Khi dùng máy ảnh trên tripod. Bạn nhớ tắt chế độ chống rung có sẵn trên thân ống kính. Càng phơi sáng lâu càng nên tắt.
7. Sử dụng remote
Nếu bạn đã dùng chân máy, hãy thử thêm remote để tránh rung máy ảnh khi bấm chụp. Nếu không có remote thì hãy thử dùng chế độ hẹn giờ (timer) có sẵn trên máy ảnh. Nên hẹn khoảng 5 giây là an toàn.
Mình rất hay dùng ipad để điều khiển lúc chụp ảnh quảng cáo hoặc dùng timer lúc chụp ảnh nội thất. Dù tốc độ chụp có an toàn đi chăng nữa mình vẫn cảm thấy điều khiển từ xa sẽ chắc chắn hơn nhiều.
8. Sử dụng khóa gương lật hoặc chế độ chụp im lặng
DSLR có một chiếc gương bật lên khi bạn nhấn chụp. Chuyển động của gương này trong máy ảnh có thể gây ra các ảnh hưởng vi mô đến độ nét của ảnh, đặc biệt là ở tốc độ màn trập chậm. Có một tùy chọn gọi là khóa gương tại chỗ cho đến khi máy ảnh chụp xong.
Ở các dòng máy microless thì không có gương này. Các dòng DSLR đời mới nhất sẽ có chế độ chụp im lặng (silent shooting). Bạn nên tìm thử máy của mình có không? Lúc chụp ảnh nội thất mình cũng dùng chế độ chụp im lặng để đảm bảo tránh rung máy nhất có thể.
9. Chế độ liên tục
Chế độ chụp liên tục cho phép bạn chụp rất nhiều ảnh cùng lúc. Điều này có nghĩa là bạn tăng cơ hội chụp một bức ảnh nét với điều kiện bạn đã tập trung vào đúng khu vực cần. Bạn nên áp dụng chế độ này trong ảnh phóng sự, đường phố, sự kiện...
Bạn nên chụp chế độ liên tục với lấy nét đơn điểm. Bạn sẽ dễ bắt được những khoảnh khắc các nhân vật trong ảnh đang có biểu cảm tốt nhất.
10. Chụp với tốc độ màn trập nhanh
Nếu bạn chụp ảnh không dùng tripod thì tốc độ màn trập phải càng nhanh càng tốt.
Theo nguyên tắc từ xưa, bạn nên dùng tốc độ màn trập ít nhất gấp đôi độ dài tiêu cự ống kính. Ví dụ: nếu bạn dùng ống kính 50mm, tốc độ màn trập phải được đặt ở mức tối thiểu 1/100 giây.
11. Chỉnh sửa hậu kỳ
Tăng độ sắc nét trong Lightroom hoặc Photoshop bằng kênh clarity. Mình hay tăng mức độ 10 trong ảnh nội thất. Nếu không gian là ánh sáng mềm. Bạn có thể tăng luôn cả kênh texture để lấy chất liệu. Có thể tinh chỉnh kênh dehaze để hình trong hơn.
Trong hai phần mềm này có chế độ chỉnh nét là sharpen. Bạn có thể dùng thêm.
12. Cầm máy đúng cách
Một trong những thứ cơ bản nhất mà những bạn mới tập chụp hay quên là tư thế cầm máy. Mình sẽ để hình minh hoạ bên dưới.
Cầm máy sai khiến bạn mỏi tay và lưng. Cầm máy đúng sẽ giúp bạn giữ sức khoẻ. Thao tác chụp sẽ vững, hình ra ổn hơn.
Cứ nhớ những điều căn bản.
Một tay cầm báng máy. Một tay đỡ dưới thân ống kính.
Chân đứng chữ V vuông hướng chụp.
Tay để sát người. Trọng tâm máy cũng kéo sát người. Tránh cúi, nhoài người ra chụp.
Cần hạ cao độ máy thì khuỵu chân xuống. Chồm người tới hoặc ngả người ra sau sẽ làm bạn khó giữ thăng bằng. Dễ rung máy.
Bạn đọc thêm bài này - Các tư thế cầm máy tránh rung, rất hữu ích
13. Kiểm tra diopter
Hầu như các bạn ngắm chụp bằng một mắt. Mà mắt người thì hai bên sẽ có thị lực khác nhau. Mình tình cờ biết khi có một ông bạn hay chụp out nét lắm. Cuối cùng mới phát hiện anh ấy bị cận nhẹ mà không chỉnh diopter trên kính ngắm. Thử đi kiểm tra thị lực và điều chỉnh diopter trên kính ngắm phù hợp với bên bạn nhìn. Biết đâu kết quả khả quan hơn.
Bạn đọc thêm bài này - Cân chỉnh diopter
14. Vệ sinh thiết bị
Bạn cần đều đặn vệ sinh toàn bộ thiết bị. Lau chùi ống kính và cảm biến máy ảnh. Đôi khi hình bạn bị dơ và mờ nhẹ chỉ do cảm biến máy ảnh quá dơ.
Bạn có thể tự vệ sinh cảm biến bằng các silicon stick có bán sẵn. Hoặc đem ra hãng. Giá sẽ hơi cao. Nên làm 6 tháng 1 lần nếu bạn chụp nhiều. Có thể kết hợp cân chỉnh ống kính ở phần 1.
Nên có tủ chống ẩm để giữ thiết bị khỏi nấm mốc. Ống kính bị mốc nhẹ cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh nhiều.
Credit: Valor Huynh