Valor Studio

View Original

Chuyện kỹ năng và đam mê với nghề chụp ảnh nội thất, kiến trúc

Chuyện kỹ năng và đam mê với nghề chụp ảnh

Một đợt dịch nằm dài ở nhà. Lăn lê buồn chán quá mới ngẫm lại những thứ mình đã take note năm ngoái, trước khi bắt đầu cầm máy ảnh đi kiếm tiền fulltime.

Đợt này chắc cũng cơ số bạn thay đổi nghề nghiệp :))). Bài này cũng là chia sẻ cho bạn nào muốn mở một studio ảnh, làm một anh thợ ảnh vui vẻ với nghề như mình.

Đam mê nhiếp ảnh

Cái thời mình là sinh viên. Mình cố gắng tích cóp dự định mua con máy đầu tiên là Canon 30D. Kiểu như đam mê nhiếp ảnh khát khao trỗi dậy. Lăn lê bò lết khắp các diễn đàn thời đó để đọc và tìm hiểu. Muốn thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng và có nhiều xiền hehe.

Thế nhưng lúc mua về, đi chụp hoa lá với thằng bạn cùng phòng được dăm buổi là mình chán ngấy. Mình biết hàng đống ông cũng như mình. Sắm sửa được dăm bữa rồi chăm đi chụp gái và gái, hoặc lăn xả vào cuộc chơi thiết bị. Suốt ngày so máy với so nét.

Đam mê nhiếp ảnh là cụm từ được dùng nhiều lắm cái thưở chục năm trước. Đến giờ đống ông mình quen thuở mới chơi máy ảnh vì đam mê cũng rơi rụng gần 90% rồi.

Thời đó phải chi mình được đọc những lời khuyên đúng ngay từ đầu. Mình sẽ không mất quá nhiều thời gian tuổi trẻ trên con đường tìm kiếm đam mê làm nghề ảnh.

Sau này đọc sách mình mới hiểu làm việc có đến 3 cấp độ. Đó là

  • Công việc: Đơn thuần là những gì đem lại cho bạn tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày

  • Sự nghiệp: Tìm thấy những công việc tốt hơn, những thứ tốt đẹp hơn trong đời.

  • Sứ mệnh: Tìm thấy những công việc đầy ý nghĩa với cuộc đời.

Bạn càng có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm. Bạn càng dễ tiến đến cấp cao hơn.

Tư duy đúng đắn để làm một anh thợ ảnh hạnh phúc

Nếu bạn thấy hứng thú với chụp ảnh trong những phút bốc đồng. Và sau bạn cũng không biết thực sự bạn thích điều gì? Ngay cả bạn cũng không chắc thích thể loại bạn đang chụp.

Và cứ mãi băn khoăn giữa các thể loại nhiếp ảnh. Cuối cùng là chụp lan man. Flickr đầy ảnh gái xen lẫn cưới hỏi, phóng sự, đường phố…

Và bạn không tốt ở một thể loại nào cả.

Đến khi mình chững tuổi hơn. Nghĩa là làm nghề tay trái tầm 5 năm. Mình mới cảm nhận được việc mình ngu vì không trở thành một thợ ảnh lành nghề.

  • Lành nghề có nghĩa là tốt ở một thể loại thôi. Flickr hay 500px đăng một thể loại hình thôi. Chưa kể một thể loại ảnh đấy cố gắng chỉ tập trung một nhánh nhỏ thôi. Chụp ảnh thương mại thì tách ra là dịch vụ, sản phẩm, hay đồ ăn. Đồ ăn thì khô hay nước, âu hay á… Càng chia nhỏ càng tốt, càng dễ tìm thấy cái signature của bản thân.

  • Lành nghề có nghĩa là tối ưu được đồ nghề. Am hiểu thiết bị chuyên dụng.

  • Lành nghề có nghĩa tối ưu được workflow. Kiểu nhanh gọn đẹp như một chuyên gia.

  • Lành nghề có nghĩa là tập trung vào giá trị mà mình có thể tạo ra. Hài lòng khách hàng tối đa.

Nếu bạn tập trung vào cái công việc đem lại. Bạn sẽ chú ý vào những điều không hài lòng của công việc khi mới bắt đầu làm như:

  • Mới chụp ảnh thu nhập thấp.

  • Phải cạnh tranh giá. GIá thấp thì mau nản.

  • Job budget thấp thì toàn chụp những thứ chán.

  • Chụp lặp đi lặp lại theo một mô tuýp.

  • Khó tìm được khách hàng.

  • Phải đầu tư nhiều so với những gì nhận được.

Nhưng bạn phải qua cái đống này trước. Phần thưởng chỉ đến tận sau này khi bạn đã tinh thông. Portfolio đẹp, thu nhập cao, toàn những job thú vị.

Mình thấy thật sự may mắn vì thị trường chụp ảnh rất rộng. Và ai cũng có phần.

Không như ca sĩ. Bạn phải nổi tiếng. Không thì sẽ không theo được nghề.

Chụp ảnh là một thị trường cực kỳ lớn và tự do.

Bạn có thể kết hợp các mảng khác, các kỹ năng khác dễ dàng. Ví dụ như bán áo cưới kèm theo chụp ảnh cưới. Bán ảnh stocks kèm theo chụp ảnh sản phẩm theo đơn đặt hàng. Mình từng bán được một ảnh tận vài nghìn $ đấy.

Vậy nên không có lý gì khi bảo nghề ảnh sẽ hết thời. Chẳng qua bạn hết động lực thôi.

Sự nghiệp nhiếp ảnh đáng giá

Một sự nghiệp nhiếp ảnh đáng giá sẽ đến khi bạn có những kỹ năng nhiếp ảnh cực kỳ quý giá.

Những kỹ năng quý giá này thể hiện ở sự tinh thông của bạn. Kể cả về kỹ thuật, trải nghiệm, kinh nghiệm. Sự am hiểu về thứ mình đang làm.

Nếu chỉ chụp ảnh chăm chỉ. Bạn sẽ đạt đến ngưỡng ổn định. Từ đó không phát triển được nữa. Cứ nhìn những studio ảnh cưới 1 2 năm đóng cửa.

Để có những kỹ năng nhiếp ảnh quý giá ở trên thì chỉ có một cách duy nhất là luyện tập có chủ đích không ngừng. Luyện tập có chủ đích nghĩa là:

  • Nâng cấp kỹ năng lên những mức cao hơn.

  • Thử những phương pháp chụp mới.

  • Cố gắng áp dụng những tiến bộ về cả kỹ thuật lẫn tư duy.

  • Cố gắng tối ưu workflow, cân nhắc thử và sai rất nhiều lần.

Bắt đầu một studio

Muốn có một công việc tự chủ như việc chụp ảnh tự do. Hãy tích luỹ đủ vốn liếng, kỹ năng cần thiết như mình nói ở trên.

Đừng làm những công việc không liên quan chỉ để trang trải cho ý tưởng mở một studio. Bắt đầu nhỏ với một cái máy ảnh. Đi chụp và rèn luyện trước. Để sống được ổn như một freelancer. Bạn cần học nhiều thứ linh tinh khác nữa.

Hãy bắt đầu chụp thể loại ảnh mà người ta trả tiền cho bạn. Hoặc tìm kiếm những lời khen thật lòng, những bằng chứng bạn có thể kiếm được tiền từ nó.

Càng được trả nhiều tiền. Bạn càng trở nên có giá trị.

Nếu bạn muốn biết nên bắt đầu từ đâu. Thì nên “bắt đầu từ tâm chấn” - Lời khuyên cực kỳ quý giá của anh thầy web5ngay. Nghĩa là trở thành một anh thợ lành nghề trước đi. Kỹ thuật vững, ảnh đẹp, tận tâm với nghề.

Vậy thôi.

À muốn thử thì đọc bài hướng dẫn nghề của mình nhá :))

Hướng dẫn chụp ảnh nội thất đẹp

Người mới chụp ảnh nội thất cần mua gì?

Credit: Valor Huynh