Chuyện freelancer, kinh nghiệm để bắt đầu
Những kinh nghiệm để bắt đầu làm freelancer
Mình tình cờ bắt đầu công việc của một freelancer từ thời sinh viên năm 1. Công việc đầu tiên là thiết kế lại chút không gian một quán trà sữa gần trường đại học. Mình đã kết hợp với vài người bạn. Tự mày mò học Sketchup để vẽ 3D trong chỉ một tuần. Rồi mình bắt đầu đi dạy thêm phần mềm Sketchup. Mình phải học thêm 1 lớp nâng cao để đủ trình độ dạy cơ bản môn này. Tiền kiếm được thưở này đủ để mình ăn vặt và mua sắm vài thứ linh tinh. Mình cũng chưa nghĩ rằng mình sẽ theo nó dài lâu.
Mình đã thử làm việc full-time tại một công ty chuyên về thiết kế website. Mình may mắn khi được gặp sếp tốt, đồng nghiệp tuyệt vời. Nhưng rồi mình nhận ra mình không thể chịu đựng được cảm giác làm việc trong khuôn khổ. Thế là mình lại quay về và quyết định làm một freelancer thứ thiệt.
Năm đấy mình lao vào đủ việc. Từ thiết kế, dán decal, trang trí tết, chụp ảnh chân dung… Mình nhận ra để kiếm đủ tiền sống kiểu freelance rất là khó. Nó không hào nhoáng như mình nghĩ. Cuối cùng một cơ duyên thiết kế thương hiệu cho một công ty của nhà nước làm mình nghĩ mình đã chọn đúng nghề. Mình đã có một khách hàng thân thiết đầu tiên, đủ nuôi sống mình tạm ổn.
Và khi va vấp gần được chục năm rồi. Mình nghĩ nên chia sẻ lại một ít kinh nghiệm để các bạn trẻ có thể bắt đầu dễ dàng hơn. Giờ thì bắt đầu thôi!
Tìm khách hàng ở đâu?
Đây là trở ngại đầu tiên của các bạn muốn làm freelance. Sau một khoảng thời gian dài làm việc mình mới nhận ra được rõ ràng 3 điều dưới đây.
Bạn phải nói được việc bạn là ai? Bạn chuyên làm gì?
Bạn phải nói rõ ràng và nhất quán cụ thể một công việc. Từ facebook đến blog, cả trong cuộc sống thật. Bạn nên có một cách đặc biệt nào đó khiến người ta nhớ đến công việc của bạn càng tốt. Hãy để lại một điểm đặc biệt để người ta thật sự nghĩ đến bạn mỗi khi có dịp cần.
Bạn nên có một nickname dễ nhớ.
Cái này gần như là tạo dựng thương hiệu. Nickname nên dễ phát âm, có ý nghĩa nữa thì càng tốt.
Bạn nên tạo dựng một tính từ đặc trưng về công việc.
Tính từ ở đây là điểm nổi trội nhất khi nhắc đến công việc, cách làm việc của bạn. Có thể là tư vấn tận tâm, life-style thú vị, chu đáo trong công việc… Bất kể là gì cũng được. Miễn là tính từ tích cực.
Ngày xưa mình được giới thiệu rất nhiều chỉ vì mình tư vấn rất nhiệt tình. Mình sẵn sàng đi xa thành phố để họp với khách hàng dù dự án nhỏ. Mình sẵn sàng tư vấn tỉ mỉ hàng giờ liền. Thậm chí khách hàng chưa hỏi mình cũng đoán và nói thêm vào. Khi bạn làm tốt điều này. Bạn sẽ thấy bạn có được kha khá khách hàng đến từ giới thiệu truyền miệng. Đến từ thương hiệu cá nhân của bạn.
Điều thứ 2 là xây dựng một thương hiệu trên diễn đàn, website. May mắn của mình là thời đó ít sự cạnh tranh. Mình nhớ khoảng đâu năm 2012. Chỉ với vài topic trên các diễn đàn thiết kế. Vài thủ thuật SEO cơ bản. Mình lên top Google và mình đã có khá nhiều khách hàng thường xuyên. Mình làm việc quần quật. Mỗi tháng thu nhập có khi đến 20-30 triệu. Với mình con số đấy là rất lớn.
Điều thứ 3 là xây dựng liên kết portfolio Behance, Dribbble, trên các trang tìm việc freelance nước ngoài. Mình để điều này cuối cùng vì nó thực sự khó làm nhất. Bạn có thể sống ổn với 2 điều kia nếu làm tốt.
Chuyên nghiệp như một công ty
Mình học được điều này sớm vì mình đã vấp váp từ lúc sinh viên. Khoảng thời gian đi tìm việc freelance part-time bị từ chối rất nhiều. Và mình chợt nhận ra tận tâm là chưa đủ. Mình cần phải chuyên nghiệp nữa. Mình không phải là nhân viên, làm tốt công việc chuyên môn là không đủ.
Người ta từ chối vì mình viết cái mail đề nghị làm việc từ xa không rõ ràng. Vì cách mình báo giá không có bảng Excel chi tiết dễ hiểu, vì portfolio mình gửi khách hàng trình bày lộn xộn, tư vấn lúc nhớ lúc quên, hỏi không đủ mai lại hỏi thêm…
Vậy nên
Bạn cần một mail giới thiệu đầy đủ, lịch sự, ngắn gọn. Chữ ký mail cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ, tra cứu portfolio, thông tin liên lạc… một cách lịch sự.
Bạn cần một form báo giá đàng hoàng, có thông tin chi tiết. Có người gửi người nhận, công việc, ngày giờ. Bạn có thể tham khảo “Estimate form” đầy trên mạng. Nên có thêm quy trình thanh toán rõ ràng các cột mốc và con số nếu được.
Nếu công việc đặc thù cần tư vấn nhiều. Bạn hãy soạn một khung câu hỏi, cách tư vấn cho khách hàng. Hãy gạch đầu dòng trước những câu hỏi mình sẽ hỏi. Gọi là thu thập brief. Hãy bổ sung file thu thập này qua từng công việc. Bạn sẽ trở thành một tư vấn viên kinh nghiệm. Khách hàng chưa hỏi bạn sẽ biết luôn cái họ cần.
Bạn cần một bảng tóm tắt lại nội dung công việc nếu công việc có nhiều điều khoản phức tạp. Rõ ràng thời gian, thời lượng, phương án hoàn thành công việc, deadline, giao file gì? định dạng nào? Giao như thế nào? Giao cái này cho khách hàng đọc và chờ họ duyệt hoặc họ chỉnh sửa. Cái này na ná như thư ký ghi biên bản cuộc họp. Cái này cũng dùng khi làm hợp đồng.
Bạn cần một timeline làm việc cụ thể. Làm gì, làm lúc nào, liên hệ ai, địa điểm nơi chốn ghi vào hết. Gửi file timeline cho khách hàng để họ duyệt.
Bạn phải nhớ lúc này bạn là một tổ chức. Bạn thay mặt tư vấn viên, kế toán, account, quản lý… Bạn phải tự đặt mình vào vị trí của những bộ phận đó. Nếu là họ, họ làm việc đó như thế nào?
Mình còn có một bài viết chi tiết hơn về kinh nghiệm làm nghề của mình.
Chia sẻ kinh nghiệm làm nghề chụp ảnh nội thất
Những điều nhỏ này cho thấy bạn là người làm việc chuyên nghiệp. Một người kinh nghiệm, nghiêm túc, yêu công việc mình làm.
Tính giá trị lao động hợp lý và cạnh tranh
Mình có một bài viết cụ thể ở đây để bạn tính một tháng bạn cần bao nhiêu tiền? Bạn đáng giá bao nhiêu một giờ? Thước đo chính xác nhất là khi bạn sống ổn được với mức giá đấy.
Chuyện tiền nong với một studio chụp ảnh nội thất
Bạn phải xây dựng một bảng báo giá đàng hoàng. Báo giá phải dựa vào tính toán cụ thể. Bạn có thể dựa trên thời gian, thể loại công việc. Các yếu tố phát sinh thì nhân theo hệ số…
Lúc mới bắt đầu mình không có được hướng dẫn như thế này đâu. Mình phải báo giá thật rẻ, thử và sai rất nhiều lần để biết được mức giá nào là hợp lý. Và dần dần xây dựng được khung báo giá đàng hoàng để làm việc nhất quán.
Không phải ai cũng tốt nhưng không phải tất cả đều xấu
Nỗi niềm bị quỵt tiền chắc không ít bạn đã từng gặp. Mình cũng thế thôi, trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương nên mình né được rất nhiều ca khó. Và gặp nhiều ca quỵt xuất sắc hơn :)))
Bạn nên cân nhắc cảm giác của mình về khách hàng. Để phân biệt khách hàng có dọ giá, có ý định hỏi cho vui miệng hay không thì đơn giản như dưới đây.
Bạn nhớ cái danh sách câu hỏi tư vấn ở trên mình nói không? Nếu khách hàng yêu cầu báo giá với brief sơ sài. Hãy hỏi thật kỹ chi tiết vào nội dung. Cân nhắc câu trả lời của khách. Nếu không đưa được ra những câu trả lời cụ thể, tránh né câu hỏi, trả lời chung chung, trả lời cụt lủn không đầu đuôi. Không cho bạn có cảm giác họ nhiệt tình tìm một đối tác. Khả năng cao là dọ giá cho vui hoặc tìm thiết kế thử miễn phí.
Trường hợp nữa là khách hàng đi tìm quân xanh. Nhưng cái này chỉ là sau bạn làm cho agency. Hãy nhớ nếu là agency có khi bạn báo giá chục lần đều fail. Nhưng cứ cố gắng cho người khác lợi dụng. Sẽ có ngày bạn được cất nhắc thử sức một job.
Trong bid job thì các account tìm quân xanh (những người như bạn) có giá bid cao và trượt, để quân đỏ (người quen agency) trúng bid sao cho có lợi nhất.
Khi bạn đã chốt được với khách hàng. Bạn nhớ vài nguyên tắc cơ bản như sau, giúp bạn kê cao gối ngủ khi làm việc với khách hàng mới.
Cần có cọc cho job. Với số tiền tối thiểu an toàn. Mình hay lấy mốc 30% lúc làm thiết kế.
Chia số lần thanh toán ra làm ít nhất 3 đợt.
30% cọc sau khi ký hợp đồng. Tối thiểu trước 7 ngày khi bắt đầu công việc.
50% lúc giao file demo lần đầu tiên.
20% lúc giao file demo hoàn chỉnh để nghiệm thu. Giao tất cả file hoàn chỉnh cho khách hàng sau khi nhận thanh toán đầy đủ.
Bạn luôn nhớ phải giao file demo cho khách hàng thôi. File demo nghĩa là văn bản, hình ảnh, thiết kế có watermark, file kích thước nhỏ, file convert sang định dạng không thể sửa chữa.
Không giao file raw trong mọi trường hợp cho đến khi xong hợp đồng.
Rõ ràng các điều khoản liên quan đến khối lượng, timeline làm việc.
Rõ ràng thời gian làm việc. Làm việc trong bao nhiêu giờ, từ lúc nào đến lúc nào? Thời gian chuẩn bị, thời gian back up cho công việc ra sao?
Rõ ràng thời gian giao sản phẩm. Thời gian chỉnh sửa, số đợt, thời gian mỗi đợt ra sao? Số lượng sản phẩm, giao file gì, định dạng nào, giao như thế nào?
Rõ ràng thời hạn bảo hành. Sau xxx ngày hết hạn bảo hành sản phẩm. Khách hàng cần sửa sẽ tốn phí. Xưa mình từng được nhờ sửa một video sau 1 năm trời.
Rõ ràng thời hạn thanh toán. Sau xxx ngày không giao sản phẩm đúng tiến độ, bạn bị phạt. Sau xxx ngày không thanh toán, khách hàng bị phạt.
Làm việc cần có nguyên tắc và điều khoản đầy đủ rồi. Lúc trao đổi thông tin luôn nhớ phải có văn bản, tin nhắn, email xác nhận, luôn rõ ràng giấy trắng mực đen… Tránh trường hợp gọi điện thoại xong rồi để đó. Những văn bản này là bằng chứng bảo vệ bạn sau này.
Sống tự do có nề nếp
Nãy giờ mình đã nói đến khó khăn. Giờ là đến phần vui. Là freelancer, bạn càng có quyền chọn công việc, chọn lựa khách hàng, chọn lựa thời gian, không gian làm việc. Freelancer càng có kinh nghiệm và nổi tiếng. Quyền chọn của bạn càng nhiều.
Mình từng có khoảng thời gian cả tháng không ra khỏi nhà. Chỉ xuống dưới mua nước và đồ ăn vặt rồi lại lao vào nhà cày job. Sau cái job đấy mình mới như tìm lại được cảm giác sống. Sau này mình luôn cố gắng tiết chế dồn ép dự án như vậy. Dù thu nhập có cao đi nữa, nó cũng ảnh hưởng đến tinh thần của mình quá nhiều.
Nếu bạn nghiêm túc với kiểu freelncer lâu dài. Bạn nên quy định rõ ràng giờ giấc, giới hạn làm việc của bản thân. Làm việc kiểu như mình rất ảnh hưởng đến sức khoẻ nữa. Nó để lại di chứng là căn bệnh đau vai gáy kinh niên kéo dài đến mãi bây giờ.
Dù mang tiếng là sống tự do nhưng để sống sót thành công trong môi trường freelancer. Bắt buộc bạn phải tự kỷ luật bản thân. Không ai đốc thúc bạn. Bạn phải tự giác mà làm.
Học thêm không bao giờ là thừa
Điều một freelancer cần có nhất là năng lực làm việc. Bạn làm tốt những mặt khác thì cũng chỉ giúp bạn thêm những điểm cộng trong mắt khách hàng thôi. Một là bạn nâng cao khả năng, hai là nhường đường cho lớp trẻ. Chỉ cần khoảng nửa năm bạn không theo kịp xu hướng, kiến thức trong ngành. Bạn dễ dàng bị đào thải.
Nếu bạn chưa giỏi thật sự trong lĩnh vực mình chọn. Bạn có thể học thêm các lớp chuyên ngành. Hoặc tham gia các cộng đồng, tổ chức phi chính phủ. Môi trường này giúp bạn làm đẹp portfolio cũng như tăng mối quan hệ, tăng khả năng có những công việc tốt hơn.
Một cách tích cực hơn nữa là bạn nên gia nhập những cộng đồng, liên kết với những người có sức ảnh hưởng trong ngành. Kết bạn với các đồng nghiệp để chia sẻ dự án cho nhau. Đọc các sách về chuyên ngành của mình càng nhiều càng tốt.
Thị trường freelance lúc mình mới bắt đầu khá dễ dàng. Nhưng cũng chỉ chóng vánh sau 5 năm. Mình đã tính tới việc chuyển sang chụp ảnh như bây giờ. Vì mình nhận ra đã đến lúc đi theo con đường mình thích hơn.
Môi trường làm việc
Khi là freelancer. Bạn nên yêu cái góc làm việc của mình. Việc hay ho nhất mình từng làm lúc trước là google xem những mẹo làm đẹp góc làm việc. Chọn một chiếc bàn đúng, ghế ngồi cao hợp lý. Giữ không khí phòng làm việc sạch sẽ và mát mẻ. Không gian làm việc phải gọn gàng. Ánh sáng phải hợp lý.
Đừng làm việc trong một cái phòng tối tù mù như phim. Ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ lắm. Việc quan trọng nhất phải tạo ra cảm giác bạn muốn ngồi vào đó và làm ngay khi có thể.
Chăm sóc cho góc làm việc là một việc làm khoa học. Các nghiên cứu đã chứng minh độ hiệu quả của môi trường, không gian làm việc đến hiệu suất.
Bạn có thể thử ra cafe hoặc co-working space. Những nơi này đều có không khí làm việc rất hợp lý. Nhưng theo kinh nghiệm của mình thì những nơi này chỉ dành cho công việc ngắn hạn. Bạn sẽ khó tập trung vì bối cảnh khá nhiều người. Khó ở lâu vì đi làm việc 1 mình cỡ 3-4h bạn phải đi vệ sinh chứ. Mỗi lần đi phải cất hết đồ rất bất tiện. Và không nên mang theo đồ ăn vặt lúc làm. Ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất làm việc.
Lời kết
Có bao nhiêu kinh nghiệm và kỷ niệm nhớ được mình đã viết ra hết rồi. Mong các bạn tìm được gì đó từ bài viết này. Làm việc kiểu freelance có một lợi ích to lớn mà sau này mình nhận ra. Mình ăn hành để trưởng thành. Trưởng thành hơn về mọi mặt chứ không chỉ trong nghề nghiệp. Mong các bạn cũng thế. Chúc các bạn chân cứng đá mềm, đêm nằm ngon giấc, ứ phải chạy deadline :D
Credit: Valor Huynh