Valor Studio

View Original

Chụp ảnh du lịch cho người mới bắt đầu!

Chụp ảnh du lịch: 4 bước đơn giản cho người mới bắt đầu!

Bạn muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chụp ảnh du lịch, nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu? Vậy hãy tham khảo những chia sẻ của nhiếp ảnh gia Viktor qua bài viết dưới đây nhé!

Viktor Elizarov là một nhiếp ảnh gia chụp ảnh du lịch và giáo viên đến từ Montreal, Canada. Anh đã từng đặt chân tới rất nhiều quốc gia trên thế giới và chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh của mình trên trang blog cá nhân PhotoTraces. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết của anh về 4 bước để khởi động cho cuộc hành trình đến với nhiếp ảnh du lịch dành cho người mới bắt đầu.

Vào một ngày đẹp trời ở Montreal, tôi vừa đi bộ vừa nghe một chương trình radio nổi tiếng về nhiếp ảnh. Tập podcast hôm đó nói về nhiếp ảnh du lịch và khách mời là hai nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp dày dặn kinh nghiệm.

Ở mục Hỏi - Đáp cuối podcast, câu hỏi đầu tiên đã ngay lập tức khiến tôi chú ý. Tại sao lại như vậy? Vì trước kia tôi cũng đã từng có thắc mắc giống như vậy rất nhiều lần.

Câu hỏi đó như thế này:

Tôi muốn thành thạo hơn trong mảng nhiếp ảnh du lịch nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi nên đi tới những đâu? Tôi cần lên lịch cho chuyến đi như thế nào? Tôi nên chỉnh sửa ảnh khi vẫn còn ở địa điểm du lịch hay hết về nhà rồi chỉnh sửa một thể? Tôi nên đem theo loại máy ảnh, ống kính và dụng cụ chụp ảnh nào? Thực sự là tôi đã tìm hiểu trên mạng nhưng nhiều thông tin quá và không biết phải làm theo ai.

Câu hỏi có vẻ dài nhưng lại liên quan đến đúng chuyên môn của tôi. Vậy nên tôi rất tò mò về câu trả lời vì biết rằng đó không phải là câu hỏi dễ giải đáp. Vậy nhưng những gì nhiếp ảnh gia phản hồi đã khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Một vài câu trong số đó là:

Bạn thử tới Nam Á nhé, rất đáng để đi đó.
Đừng tới Băng Cốc.
Nếu không biết thì bạn có thể chọn bừa một nơi nào đó để đi.
Hoặc bạn có thể thử tới châu Âu xem sao.

Thay vì nói về các vấn đề phức tạp của nhiếp ảnh du lịch, các nhiếp ảnh gia lại chỉ tập trung vào một khía cạnh: địa điểm chụp. Tôi khá thất vọng về câu trả lời của họ, vì với tôi, vị trí địa lý không phải là yếu tố quan trọng nhất. Để chụp ảnh du lịch chuyên nghiệp, bạn không nhất thiết phải “mở màn” bằng cách đi thật xa, tới những nơi thật đặc biệt thì mới có thể tạo nên những bức hình xuất sắc.

Đó là lý do tại sao tôi đã tổng hợp lại những trải nghiệm của bản thân từ khi mới vào nghề và viết ra bản hướng dẫn 4 bước này dành cho những ai muốn “dấn thân” vào nhiếp ảnh du lịch nhưng lại chưa biết nên bắt đầu từ đâu.

Nhưng trước hết, đừng khởi động cuộc hành trình đến với nhiếp ảnh du lịch bằng một chuyến đi tới Nam Á nhé! Bạn sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc đó, chưa kể nó còn có thể khiến bạn thất vọng nữa. Hãy bắt đầu một cách đơn giản để từ đó phát triển và tiến lên cao và xa hơn!

Bước 1: Bắt đầu từ những nơi gần gũi nhất

Chẳng cần đi đâu xa, bạn có thể bắt đầu chụp ảnh ngay tại những địa điểm thân quen xung quanh nơi mình sinh sống. Có thể bạn chưa nhận ra, nhưng công viên là nơi rất lý tưởng cho việc tập chụp ảnh của bạn đó! Công viên có gần như đầy đủ những yếu tố cần thiết cho những bức ảnh tuyệt vời: cây cối, con người, cảnh quan thành phố...

Hãy thử tới công viên gần nhà để chụp ảnh vào những thời điểm khác nhau trong ngày, chẳng hạn như khi bình minh hay hoàng hôn, khi trời mưa hay trời nắng... để học cách điều chỉnh ánh sáng sao cho phù hợp với từng điều kiện ánh sáng khác nhau. Qua đó, bạn cũng sẽ tự khám phá ra mình cần những công cụ gì cho nghiệp chụp ảnh du lịch của mình.

Chẳng hạn với tôi, tôi đã nhận ra từ khá sớm rằng mình thích kiểu tối giản. Những gì tôi cần chỉ đơn giản là một chiếc thân máy với ống kính đa năng để có thể chụp nhiều cảnh khác nhau. Tôi từng dùng máy Canon 60D kèm ống kính Sigma 17-70mm trong nhiều năm, còn hiện giờ tôi dùng một bộ tương tự là Sony a6000 kèm ống kính Sony 16-70mm.

Tôi cũng tlhừa nhận rằng mình có khá nhiều thiết bị phục vụ cho nhiếp ảnh, bao gồm ống kính góc rộng (Sony 10-18mm), chân máy ảnh (tripod), kính lọc và thiết bị điều khiển đèn chụp máy ảnh.

Tôi cảm thấy khá may mắn vì gần nhà có một công viên rất đẹp. Vậy nên mỗi khi mua phụ kiện mới, tôi đều ra đó chụp thử. Ngày tôi mới chuyển từ máy Canon sang Sony, công viên đó là nơi cực lý tưởng để tôi làm quen với máy ảnh mới của mình.

Bước 2: Mở rộng bằng những chuyến đi ngắn trong ngày

Bước tiếp theo, bạn hãy đi tới những nơi xa hơn một chút (cách nhà khoảng vài chục cây số). Những chuyến đi này không những giúp bạn thư thái đầu óc, mà còn là cơ hội “vàng” để bạn tiếp tục trau dồi kỹ năng chụp ảnh của mình.

Mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm để bạn nhận ra mình cần cải thiện những kỹ năng nào, hay những công cụ mình đang sử dụng có đáp ứng nhu cầu bản thân hay không. Bạn sẽ biết mình cần bao nhiêu pin dự phòng cho máy ảnh, thẻ nhớ với bộ nhớ bao nhiêu là đủ, có cần đem theo tripod hay không…

Trước khi đi, đừng quên “hỏi” Google, bản đồ hay các nguồn thông tin khác và tìm hiểu trước về những địa điểm lý tưởng để chụp bình minh hay hoàng hôn tại nơi bạn chuẩn bị tới nhé!

Với chuyến đi ngắn trong ngày như vậy, bạn có thể sẽ không “bắt” được cả hai khoảnh khắc đó, nhưng hãy cố gắng chụp được một trong hai thời điểm: khi Mặt Trời mọc hoặc khi Mặt Trời lặn. Khi đã cảm thấy thoải mái với các chuyến đi ngắn trong ngày, bạn có thể “lên cấp” với những chuyến đi kéo dài nhiều ngày hơn.

Bước 3: Tiếp tục với những chuyến đi dài ngày

Đây chính là lúc hành trình chụp ảnh du lịch thực sự bắt đầu!

Từ Montreal đi New York, Boston, Toronto hay thác Niagara mất khoảng 5-7 tiếng. Những lần đi xa để chụp ảnh của tôi bắt đầu từ những chuyến đi kéo dài khoảng 2-3 ngày tới những địa điểm như vậy. Với những chuyến đi dài, bạn cần chuẩn bị và tìm hiểu kỹ hơn về mọi thứ, đặc biệt là về những thời điểm chụp ảnh đẹp trong ngày.

Lúc này, một vấn đề mà không ít người thắc mắc là xử lý hậu kỳ chỉnh sửa ảnh như thế nào. Tôi sẽ không đưa ra hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề này, vì theo kinh nghiệm của tôi, lịch trình sẽ luôn thay đổi và không chuyến đi nào giống chuyến đi nào cả.

Ví dụ ban đầu, tôi luôn chỉnh sửa ảnh vào cuối mỗi ngày. Nhưng giờ đây, tôi tập trung hơn vào việc chụp hình và bắt đầu tiến hành chỉnh sửa sau khi đã hoàn thành chuyến đi và trở về nhà. Tuy nhiên, tôi luôn đem theo máy tính bảng để có thể kết nối với máy ảnh, từ đó nhận ảnh thông qua sóng Wi-Fi một cách dễ dàng rồi chỉnh sửa với Snapseed và đăng lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, quá trình sao lưu dữ liệu của tôi lại không thay đổi nhiều. Thông thường vào cuối ngày, tôi sẽ sao lưu tất cả ảnh vào hai ổ đĩa rời khác nhau, 1 ổ tôi đem theo trong balo và ổ còn lại tôi để ở một nơi an toàn hơn là phòng khách sạn hoặc cốp xe.

Ngoài ra, tôi cũng không vội xóa dữ liệu trong thẻ nhớ. Tôi để ảnh trong thẻ cho tới khi tất cả 4 thẻ của mình đã đầy bộ nhớ và chỉ khi đó mới bắt đầu tiến hành xóa dữ liệu.

Một điều rất hay ở những chuyến đi dài ngày là bạn không cần quá cầu kỳ trong việc chọn các thiết bị và dụng cụ đem theo mình. Bạn có thể cho mọi thứ vào cốp xe ô tô và lấy những dụng cụ phù hợp với hoàn cảnh chụp khi cần thiết.

Bước 4: “Tranh thủ” trong những chuyến du lịch cùng gia đình

Bước tiếp theo là hãy tận dụng những lần du lịch cùng gia đình. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý cân bằng để việc chụp ảnh của cá nhân không ảnh hưởng tới chuyến đi của cả gia đình.

Những chuyến du lịch cùng gia đình có thể là cơ hội tuyệt vời để bạn nâng tầm khả năng chụp ảnh du lịch của mình. Đây cũng là lúc bạn tìm hiểu và xem xét kỹ hơn về việc nên đem theo những thiết bị gì để phục vụ cho chuyến đi.

Trong lần du lịch đầu tiên tới Cuba cùng gia đình, tôi đã đem theo tất cả những thiết bị mà mình có nhưng lại chẳng dùng đến mấy. Sau lần đó, tôi rút kinh nghiệm chỉ đem đi những thứ cần thiết nhất.

Vậy tôi đã lên kế hoạch cho những chuyến đi này như thế nào?

Đầu tiên, tôi sắp xếp lịch trình chuyến đi như bình thường và ưu tiên các hoạt động của cả gia đình. Sau khi mọi thứ đã được lên lịch rõ ràng và tất cả mọi người đều vui vẻ với lịch trình đó, tôi mới bắt đầu chuẩn bị cho “công cuộc” chụp ảnh của mình.

Trong chuyến du lịch cùng cả nhà, khoảng thời gian “vàng” mà bạn có thể dành 100% công sức và tâm huyết vào việc chụp ảnh của cá nhân là khi tất cả mọi người đều đang ngủ.

Mỗi ngày trong chuyến đi, bạn có thể thức dậy trước mọi người vài giờ để bắt được cảnh mặt trời mọc. Vào lúc bình minh, tất cả mọi người đều đang “say giấc nồng”, dù là các thành viên trong gia đình bạn hay khách du lịch tại khu vực đó. Vào các thời điểm khác trong ngày, bạn có thể tập trung vui chơi và tận hưởng cùng gia đình. Đây là điểm mấu chốt để bạn có một chuyến đi vui vẻ khi kết hợp du lịch cùng gia đình và chụp ảnh du lịch cho riêng mình.

Mùa hè năm ngoái, vợ chồng tôi đã tới Thác Niagara. Vào ban ngày, khu vực này đông khách tham quan tới mức tôi không có cơ hội để dùng tới tripod. Rất khó để chụp được một bức ảnh mà không vướng người lạ xung quanh.

Sáng hôm sau, tôi tới thác trước bình minh và có cảm giác như mình đang bao trọn cả địa điểm tham quan này vậy. Khác hẳn với khung cảnh náo nhiệt ngày hôm qua, người duy nhất tôi gặp ở đây là một nhiếp ảnh gia khác cũng đang muốn chụp ảnh du lịch giống mình.

Như vậy, sau khi đã trải nghiệm khoảng chục lần dạo chơi quanh phường, dăm bảy lần đi chơi ngắn ngày và vài lần đi du lịch cùng gia đình, bạn có thể tự tin hơn với khả năng chụp ảnh của mình và sẵn sàng cho những chuyến đi “chuyên dụng” phục vụ cho sự nghiệp nhiếp ảnh du lịch của bản thân.

Tóm lại

Khi học bất kỳ điều gì mới mẻ và phức tạp, bạn đều cần chia quá trình học thành những phần nhỏ “dễ nuốt” hơn trước khi có thể trở nên thành thạo.

Nhiếp ảnh du lịch cũng không phải là ngoại lệ. Bạn không thể học được toàn bộ quá trình và kỹ năng chụp ảnh chỉ với một lần chụp. Bằng cách bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, dần dần bạn sẽ có thể trau dồi kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân, từ đó hình thành quy trình chụp ảnh cho riêng mình.

Hy vọng 4 bước hướng dẫn đơn giản trong bài viết sẽ có thể giúp bạn tiến gần hơn tới giấc mơ trở thành nhiếp ảnh gia chụp ảnh du lịch chuyên nghiệp.

Bản quyền dịch: Valor team
Credit: A Beginner's Guide to Learning Travel Photography